CON QUÝ TỬ
Nhớ những năm đầu mới học việc, tôi nhận một sản phụ sinh con lần ba. Lúc thăm khám, tôi vô tư hỏi:
– Chị sinh con lần ba rồi, sao giờ lại gọi là "con quý" vậy? Mấy đứa trước không quý à?
Chị cười, rồi thản nhiên đáp:
– Đứa này là con trai, chị đi Thái mới có được đó em. Tốn gần 800 chẹo!
Lúc đó tôi mới "ồ" lên, thì ra là vậy! Tôi chúc mừng chị, còn chị thì hào hứng kể thêm:
– Chị mua sẵn nhà, sẵn xe cho thằng cu này luôn rồi em!
Một đứa nhà quê như tôi lúc đó nghe mà trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhưng giờ ngồi nghĩ lại, tôi tò mò không biết cậu bé đó giờ ra sao. "Quý tử" năm ấy bây giờ đã dậy thì thành công chưa? Có xài hết cái nhà với chiếc xe ấy không? Hay lại... xài hết theo cách khác?
Điều khiến tôi suy ngẫm không phải chỉ là câu chuyện về "con quý tử" mà còn là những gì người mẹ ấy đã trải qua để có được cậu bé. Phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không chỉ là một hành trình tốn kém mà còn đầy thử thách.
Thời buổi bây giờ, khi IVF nổi lên như một trend, nhiều người đua nhau làm để chọn con như ý, khiến nó dường như trở nên "thật đơn giản". Nhưng thực tế, IVF không hề nhẹ nhàng như cách người ta thường hình dung. Để tạo được một phôi thai khỏe mạnh, người mẹ phải trải qua nhiều giai đoạn: tiêm hormone, lấy trứng, cấy phôi, rồi chờ đợi trong áp lực. Không phải ai cũng may mắn thành công ngay từ lần đầu. Mong chờ, thất bại, thử lại, tiếp tục mong chờ... Tôi đã gặp không ít người, mỗi lần làm IVF là một lần nuôi hy vọng. Và cũng có người chọn trải qua đến gần chục chu kỳ, mỗi lần đều mang theo những áp lực và tổn hao không nhỏ.
Đó là chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn. Thuốc kích thích trứng, dù cần thiết, cũng có thể gây hội chứng quá kích buồng trứng, khiến cơ thể đau, sưng, và trong một số trường hợp, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc mang đa thai – kết quả của việc cấy ghép nhiều phôi để tăng tỷ lệ thành công – cũng làm tăng nguy cơ sinh non, thai lưu, hay các biến chứng khác. Những điều này không ai muốn nhưng lại rất dễ xảy ra trong hành trình tìm kiếm đứa con mơ ước.
Càng nghĩ, tôi càng nhận ra: tạo hóa cho gì, nhận nấy. Đôi khi cưỡng cầu quá chưa chắc đã được như ý. Việc chọn giới tính không chỉ mang ý nghĩa sinh học mà còn đặt áp lực lên đứa trẻ – từ những kỳ vọng chưa chắc chúng gánh nổi, đến những định kiến vô hình mà xã hội áp đặt lên vai.
Tôi vẫn mong cậu bé ấy lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Nhưng trên hết, tôi hy vọng rằng các bậc cha mẹ sẽ yêu thương con cái mình không phải vì chúng là "quý tử" hay không, mà chỉ vì chúng đơn giản là món quà vô giá từ cuộc đời này.